Giai đoạn I: Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công Mặt_trận_Trị_Thiên_Huế_năm_1972

"Bão táp I"

11h30' ngày 30 tháng 3 năm 1972, 4 trung đoàn pháo binh của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đồng loạt pháo kích các vị trí của QLVNCH tại Quảng Trị trong 1 giờ. 12h30, từ hướng Tây: Trung đoàn 27 (phối thuộc Sư 320B) đánh chiếm Đầu Mầu (544); Trung đoàn 24 (Sư 304) đánh cứ điểm Tân Lâm (241), Trung đoàn 9 (Sư 304) tấn công Xa Mưu, Ba Hồ (597), Trung đoàn 66 (Sư 304) đánh Động Toàn (548). Tại hướng Bắc: Trung đoàn 48 (Sư 320B) và Trung đoàn 102 (Sư 308) vượt sông Bến Hải tấn công Cam Lộ; Trung đoàn 36 (Sư 308) và Tiểu đoàn tăng 512 (Trung đoàn 202) cũng vượt sông Bến Hải tấn công Cồn Tiên, Bái Sơn, phát triển về Đông Hà; Trung đoàn 27 và Trung đoàn tăng 202 (thiếu) đánh qua Dốc Miếu, Quán Ngang, chiếm cảng Cửa Việt. Tại hướng Nam, Trung đoàn 1 (Sư 324) đánh Động Ngô (655), Trung đoàn 2 chia quân đánh Động Ông Do và điểm cao 440, giữ bàn đạp cho giai đoạn II.

Sau ba ngày chống đỡ với nhiều thương vong, sáng ngày 2 tháng 4, Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư 3 QLVNCH ra lệnh triệt thoái các cứ điểm vòng ngoài, rút về củng cố tuyến 2. Hồi 14h cùng ngày, hơn 600 binh sĩ thuộc Trung đoàn 56 (Sư 3) QLVNCH còn sống sót tại căn cứ Tân Lâm (241) do trung tá Phạm Văn Đính chỉ huy đã hạ vũ khí đầu hàng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng ra hàng có toàn bộ ban tham mưu Trung đoàn 56, chỉ huy các tiểu đoàn, đại đội.

Ngày 7 tháng 4, các trung đoàn 36 và 102 của Sư đoàn 308 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được tăng cường Tiểu đoàn tăng 512 tấn công Đông Hà. Tướng Giai chia thiết đoàn 17 làm nhiều toán, tăng phái cho liên đoàn 5 BĐQ và Trung đoàn 57 (Sư 3) cố thủ tại 5 cứ điểm xung quanh Đông Hà. QLVNCH áp dụng chiến thuật phòng ngự cơ động hay "trâu ngủ rừng" (ban ngày về đóng tại căn cứ, ban đêm rút ra bên ngoài, dùng xe tăng bố trí phòng ngự vòng tròn). Chiến thuật này đã làm cho phương thức cường tập đánh đêm của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mất tác dụng. Ngày 9 tháng 5, trận công kích Đông Hà của Sư đoàn 308 và Trung đoàn 48 (Sư 320B) không thành công, 6 xe tăng bị bắn hỏng, thương vong lớn. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam dừng cuộc tấn công để củng cố lại, chuẩn bị cho bão táp II.

"Bão táp II"

Từ ngày 10 đến 19 tháng 4, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập các tổ săn tăng, dùng B-40, B-41B-72 diệt 30 xe tăng và thiết giáp, 4 đại đội biệt động quân của QLVNCH, làm suy yếu đáng kể tuyến phòng thủ Đông Hà.

Ngày 23 tháng 4, tướng Giai điều Thiết đoàn 20 và Liên đoàn 4 BĐQ từ Ái Tử lên Đông Hà, phối hợp với số quân hiện có tổ chức 9 đợt phản kích (cuộc hành quân "Tây Tiến I") nhưng đều bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đẩy lùi.

Ngày 25 tháng 4 từ Thị xã Quảng Trị, tướng Giai điều Trung đoàn 2 của Sư 3 phối hợp với Lữ 147 TQLC cùng 2 chi đoàn của Thiết đoàn 20 ra Mai Lộc tổ chức phản kích các đơn vị đi đầu của Trung đoàn 9 và 66 (Sư 304 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam); sử dụng Trung đoàn 1 của Sư 1 và Liên đoàn 4 BĐQ ra trấn thủ Phượng Hoàng, La Vang và phản kích và đội hình Trung đoàn 24 thuộc Sư 304 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (cuộc hành quân ""Tây Tiến II"). Đến chiều 29 tháng 4, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đẩy lùi các đợt phản kích của "Tây Tiến II", đánh chiếm Mai Lộc, bao vây Liên đoàn 4 BĐQ/QLVNCH ở Phượng Hoàng. Thương vong của hai bên đều rất lớn. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mất 4 cao xạ, 8 pháo mặt đất, mất thêm 4 xe tăng và 19 đạn tên lửa C-75B ở Cổ Kiềng (Vĩnh Linh) do máy bay đối phương đánh trúng.

Ngày 27 tháng 4, Đại tá Nguyễn Hữu An, tư lệnh mặt trận kiêm sư trưởng Sư đoàn 308 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, sử dụng Sư đoàn 308, Trung đoàn 48 (Sư 320B), các tiểu đoàn đặc công 33 và 37, các tiểu đoàn tăng 513 và 512 (thiếu) tổng công kích Đông Hà. 17h15' ngày 28 tháng 4, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm Đông Hà, Trung đoàn 88 (Sư 308) phát triển đến Lai Phước và đánh sập cầu. Tướng Giai lệnh thu quân vượt sông Hiếu rút về Ái Tử sau khi bị tổn thất thêm 41 xe tăng, 38 thiết giáp M-113 cùng toàn bộ Trung đoàn 57 và 4 tiểu đoàn BĐQ.

Trong tháng 4 năm 1972, Không lực Hoa Kỳ đã sử dụng 54 lượt B-52 và 128 lượt máy bay cường kích ném bom các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đang hoạt động ở Quảng Trị. Không quân QLVNCH đã dùng hơn 200 lượt F-5, A-37, T-28UH-1 yểm hộ cho lục quân phản kích. Không lực Hoa Kỳ mất 1 EB-66, 3 F-4, 1 B-52 bị thương phải hạ cánh xuống Đà Nẵng, 1 tàu chiến bị trúng bom của MiG-17 (Không quân QĐNDVN) ở ngoài khơi Cửa Việt. Không lực VNCH mất 4 UH-1, 1 AH-1 (Cobra), 1 AD-6, 1 L-19.

Ngày 29/4/1972, các cứ điểm Lai Phước, Phượng Hoàng, La Vang lần lượt thất thủ. Đến trưa, căn cứ Ái Tử bị công kích ba mặt. Sư 304 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công từ phía Tây Nam, Sư 308 (thiếu E36) theo đường quốc lộ 1 đánh xuống, trung đoàn 27 và trung đoàn tăng 202 tấn công từ phía Đông vào. Để tránh bị tiêu diệt toàn bộ số quân còn lại hoặc bị bắt; tướng Giai yêu cầu tướng Lãm cho bỏ Ái Tử, rút về phòng thủ Nam Thạch Hãn, lấy TX Quảng Trị làm trung tâm. Tướng Lãm gật đầu nhưng không nói gì. Ngày 30/4, Trung đoàn 9, Sư 304 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam điều tiểu đoàn 3 phá cầu gỗ, chốt chặn cầu sắt. Lữ 147 TQLC, trung đoàn 2 và 1 tiểu đoàn của trung đoàn 57 (sư 3 QLVNCH) phải bỏ lại toàn bộ xe, pháo ở bờ bắc, bơi qua sông về TX Quảng Trị.

Ngày1/5, các Sư 304 và 308 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tổng công kích thị xã Quảng Trị, trung đoàn 64 (sư 320B) và trung đoàn 1 (F324) tiến quân hợp điểm tại Cầu Nhùng, làm thành một chốt chặn lớn. Số quân còn lại Sư 3, lữ 149 TQLC, các thiết đoàn 17, 20 QLVNCH bị đánh ép từ hai phía, phải bỏ quốc lộ 1, phân tán đội hình rút vè phía Nam Mỹ Chánh. 17 giờ chiếu 1/5, trung đoàn 9, sư 304 (Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) chiếm trung tâm thị xã Quảng Trị.

"Bão táp III"

Không ảnh của Không lực Hoa Kỳ chụp căn cứ Cam Lộ sau khi bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm, tháng 4 năm 1972

Ngày 3/5, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục điều từ lực lượng dự bị: trung đoàn 18 (Sư 325) vào hướng Đông phối hợp với trung đoàn tăng 202 đánh dọc ven biển xuống Quảng Điền. Đến ngày 9/5, tại Mỹ Thủy, cánh quân này vấp phải cuộc phản công của lữ 369 TQLC và thiết đoàn 11 mới tăng viện từ Sài Gòn ra còn đang sung sức. Ngày 13/5, lữ 369 TQLC chiếm lại Mỹ Thủy, đẩy các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam lùi về Lương Ba, Linh Chiểu.

Các trung đoàn 27, 64 (Sư 320B), 1 (sư 324) tấn công cụm phòng ngự Mỹ Chánh theo đường 1. Các trung đoàn 88 (sư 308), 24 (sư 304), 2 (sư 324) luồn rừng công kích Mỹ Chánh từ hướng Tây. Tại Huế, trung đoàn 3 (sư 324) và trung đoàn 6 (chủ lực khu 5) tấn công các cứ điểm Động Chúc Mao, Động Tranh, Đèo Sơn Na, Khe Thai, buộc trung đoàn 54 (sư 1 QLVNCH) phải lùi về giữ Hòn Vượn nhưng không còn lực lượng để tiếp tục phát triển.[2]

Trong các ngày từ 4/5 đến 9/5, các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh Mỹ Chánh theo quốc lộ 1 ba lần tổ chức vượt sông nhưng không bám được căn cứ đầu cầu. Tướng Hoàng Xuân Lãm (từ 6/5 là tướng Ngô Quang Trưởng) điều động toàn bộ sư 1, lữ dù 1, lữ 258 TQLC và thiết đoàn 8 chốt giữ bờ Nam Mỹ Chánh với sự yểm hộ liên tục của pháo binh và không quân Hoa Kỳ.

Từ ngày 15 đến ngày 5/6, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công các cứ điểm vòng ngoài Đông Mỹ, Lương Mai, Đồng Lâm, Đồng Hun, Đống Đá, Cái Mương của cụm phòng ngự Mỹ Chánh-Yên Bầu-Cầu Nhi nhưng không giữ được. Quân số chiến đấu hao hụt dần, đạn hết, gạo hết. Cả trung đoàn 2 (sư 324) phải gùi gạo cho trung đoàn 1 đánh. Trung đoàn pháo 38 hết toàn bộ dự trữ đạn, phải chiến đấu như bộ binh. Trung đoàn pháo 164 chỉ còn chưa đầy nửa cơ số đạn phải sử dụng pháo 155 mm chiến lợi phẩm.[3]

Từ ngày 9 đến ngày 26/6, bộ binh chỉ tổ chức vài đợt trinh sát chiến đấu lẻ tẻ. Cuộc chiến chuyển thành cuộc đấu pháo. Từ ngày 3/5 đến ngày 26/5, không lực Hoa Kỳ xuất kích 72 lần chiếc B-52 và 207 lần chiếc cường kích yểm hộ cho QLVNCH tại Trị Thiên, huy động 3 chiến hạm phối hợp với 5 chiến hạm của QLVNCH bắn hơn 8.000 viên đạn pháo vào đội hình Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đang tấn công cụm Mỹ Chánh-Cầu Nhi.

Đợt "Bão táp III" của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ thu được kết quả rất hạn chế trong khi thiệt hại về người và vũ khí khí tài rất nghiêm trọng. Trung bình các đơn vị chỉ còn từ 40 đến 50% quân số, có đại đội chỉ còn 12 tay súng (bằng 1 tiểu đội). Tuy nhiên, trên bản đồ của các tướng lĩnh, đó vẫn là những đơn vị đủ biên chế và lệnh tiếp tục tấn công vẫn được đưa ra. Theo đại tá Cao Sơn, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn pháo 38 (đoàn Bông Lau): Cùng với thiệt hại do phi pháo địch gây ra, đây là nguyên nhân chính làm cho các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam kiệt sức.